(ĐTCK) Trái với sự trầm lắng ở nhiều phân khúc, mùa Covid đang trở thành “mùa săn” bất động sản công nghiệp nhằm mở rộng quỹ đất cũng như gia nhập thị trường giàu tiềm năng này.
“Tay chơi” mới mang đến nguồn cung mới
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản công nghiệp liên tục đón nhận những tân binh ở cả trong nước lẫn nước ngoài thông qua hoạt động M&A dự án, một số thương vụ tiêu biểu có thể kể tới là Boustead Projects hợp tác với KTG Industrial tại các dự án Khu công nghiệp Yên Phong và Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, hay như ESR Cayman Limited – nền tảng bất động sản hậu cần lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương bắt tay với Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW (BW Industrial) – nhà phát triển bất động sản công nghiệp và hậu cần hàng đầu Việt Nam thành lập liên doanh để cùng phát triển 240.000 m2 đất tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 4 ở gần TP.HCM.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên, một nhà đầu tư đến từ Đài Loan (Trung Quốc) có kế hoạch chi khoảng 1,5 tỷ USD để phát triển các dự án bất động sản công nghiệp ở Việt Nam. Hiện nhà đầu tư này đang tìm kiếm quỹ đất lên tới 10.000 ha ở một trong những tỉnh Bình Dương, Cần Thơ hay Bắc Ninh để thực hiện đầu tư.
Cùng với đó, một loạt dự án mới sắp đi vào hoạt động cũng cho thấy độ “hot” của thị trường bất động sản công nghiệp, chẳng hạn dự án Logos Property có diện tích 81.000 m2 tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2021, hay như Công ty cổ phần Công nghiệp KCN Việt Nam đã đầu tư 300 triệu USD mua lại 250 ha đất công nghiệp để phát triển các nhà máy và kho vận chất lượng cao tại Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai và Long An.
Trong một động thái khác, Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà mới đây công bố thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản Sơn Hà vốn điều lệ 150 tỷ đồng nhằm hiện thực hóa kế hoạch mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp được đưa ra năm 2020.
Tương tự, Tập đoàn Đất Xanh có tham vọng tạo lập quỹ đất lên đến 10.000 ha trong giai đoạn 2020-2030 để phát triển các dự án, trong đó có không ít dự án bất động sản công nghiệp.
Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng, đà tăng trưởng của bất động sản công nghiệp hưởng lợi lớn từ các thương vụ M&A và nguồn cung bất động sản công nghiệp mới. Ngoài ra, việc Chính phủ hoạch định chiến lược phát triển cho tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cũng giúp các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp có cái nhìn bao quát hơn về hiện trạng quỹ đất và đường hướng phát triển tại Việt Nam.
“Năm 2021 là một năm rất thú vị và là khởi đầu của một chặng đường tích cực phía trước đối với bất động sản công nghiệp”, ông John Campbell nhấn mạnh.
Bắt tay để đi xa
Đánh giá tiềm năng thị trường M&A ở phân khúc đầy hấp dẫn này, ông Đặng Trọng Đức, CEO KTG Industrial cho rằng, lĩnh vực bất động sản công nghiệp đang “chuyển mình” nhờ đón đầu được xu hướng dịch chuyển sản xuất từ bên ngoài vào Việt Nam.
Theo ông Đức, đây là cơ hội tốt cho bất động sản công nghiệp phát triển, bởi Việt Nam có lợi thế rất lớn từ vị trí địa lý thuận lợi trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, môi trường đầu tư thông thoáng nhờ các chính sách mở cửa của Chính phủ và đặc biệt, những thành công từ công tác phòng chống dịch bệnh khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư đầy triển vọng. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia có nền chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc tốp đầu khu vực Đông Nam Á, cùng với lực lượng lao động dồi dào… sẽ thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư quốc tế và là thị trường tiềm năng cho các hoạt động M&A.
Nhìn nhận vai trò của M&A trong việc thúc đẩy thị trường bất động sản công nghiệp đi lên, ông Đức cho rằng, hoạt động này giúp cả hai bên doanh nghiệp nước ngoài và nội địa tận dụng được các lợi thế sẵn có của nhau để cùng phát triển. Chia sẻ thêm về thương vụ hợp tác giữa KTG Industrial và Boustead Projects, ông Đức cho hay, sự hợp tác này sẽ giúp Công ty mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, trong quý III/2021, KTG Industrial sẽ cho ra mắt sản phẩm nhà xưởng xây sẵn tại Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 2 – Nhơn Phú, Đồng Nai với tổng diện tích khoảng 6 ha.
“Đây là sản phẩm được đồng phát triển bởi Boustead Projects với tiêu chuẩn quốc tế, được thiết kế linh hoạt để phục vụ đa dạng khách hàng đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề”, ông Đức nói.
M&A sôi động nhờ sự thúc bách
Quan sát diễn biến thị trường, ông Phạm Ngọc Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty IMG đánh giá, trong giai đoạn 2019-2020, tính cấp thiết của việc mở rộng đầu tư, các quỹ đất khu công nghiệp đều tăng, nhất là tại những thị trường chủ lực và có hiệu quả hoạt động cao như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…
Theo ông Tùng, hoạt động M&A dự án bất động sản công nghiệp đang trở nên sôi động hơn nhờ những “tân binh”, nhưng với khối ngoại, dịch bệnh Covid-19 cũng gây khó khăn nhất định do hạn chế trong việc tiếp cận thị trường mới, trong khi hoạt động này ở các doanh nghiệp hiện hữu diễn ra mạnh mẽ hơn.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Nam, chuyên gia nghiên cứu bất động sản công nghiệp đến từ Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam cho rằng, hoạt động M&A các dự án bất động sản công nghiệp đã diễn ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây.
Theo ông Nam, trước đó, các thương vụ M&A bất động sản công nghiệp diễn ra chủ yếu ở nhóm các dự án sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp bên trong khu, cụm công nghiệp, hoặc các dự án được cấp phép độc lập bên ngoài, còn đối với các dự án kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp thì ít phổ biến do việc xin được chấp thuận đầu tư các dự án kinh doanh hạ tầng loại hình này khá dễ dàng, được nhiều địa phương khuyến khích thu hút đầu tư, thậm chí nhiều nơi dự án được mời gọi nhưng nhiều năm chưa có đơn vị đăng ký.
Trong vài năm trở lại đây, khi quỹ đất có vị trí tốt, địa thế đẹp trở nên khan hiếm hơn thì hoạt động M&A dự án khu, cụm công nghiệp cũng diễn ra nhiều hơn và với sự tham gia của khối ngoại, hoạt động M&A bất động sản công nghiệp hứa hẹn sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.
Theo Thành Nguyễn, Tinnhanhchungkhoan